Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Ngôn Ngữ Tình Yêu Thứ hai

Chia sẻ

Giống như những lời khen ngợi, ngôn ngữ tình yêu thứ hai này cũng có nhiều biến thể khác nhau. Một trong số đó chính là việc trò chuyện chia sẻ những suy nghĩ, kinh nghiệm sống, cảm xúc và khát khao với người mình yêu. Hầu hết rắc rối về giao tiếp trong hôn nhân đều do người vợ hoặc chồng không biết cách chia sẻ, cảm thông với nhau.
Nếu như ngôn ngữ tình yêu thứ nhất chú trọng đến những gì bạn nói thì ngôn ngữ tình yêu thứ hai chú trọng đến khả năng lắng nghe của bạn. Nghĩa là lúc này bạn cần tập trung vào những gì đối tượng đang nói, giúp họ trút hết nỗi lòng và thấu cảm với họ. Không chỉ có thế, bạn sẽ hỏi han với mong muốn hiểu được cảm giác cũng như những khát khao của người nói một cách thật lòng.
Khi tôi gặp Patrick, anh ở tuổi 43 và đã lấy vợ được mười bảy năm. Patrick khiến tôi khó quên bởi cách nói chuyện đầy kịch tính của anh, ngay phút đầu tiên gặp nhau. Ngồi trên chiếc ghế da trong văn phòng tôi, Patrick giới thiệu sơ về bản thân, rồi bất ngờ anh chồm về phía trước. Với vẻ đầy xúc động, anh lên tiếng:
- Thưa giáo sư, tôi quả là một thằng ngốc, một thằng ngốc thật sự!
- Tại sao anh lại nghĩ như vậy? – Tôi hỏi.
- Tôi lấy vợ được mười bảy năm nhưng cô ấy đã bỏ đi. Và bây giờ tôi nhận ra mình quả thật là một thằng ngốc.
Tôi lặp lại câu hỏi của mình.
- Một bữa nọ, vợ tôi về nhà và than phiền chuyện công sở. Tôi lắng nghe, rồi chỉ cho cô ấy những gì cần làm. Tôi khuyên cô ấy không nên né tránh rắc rối mà cần nói chuyện thẳng thắn với cấp trên hoặc những người có liên quan để tìm cách giải quyết. Thế rồi hôm sau, vừa đi làm về, vợ tôi lại tiếp tục than phiền những chuyện y hệt. Khi tôi hỏi cô ấy có làm theo những gì tôi khuyên tối hôm trước không thì cô ấy lắc đầu. Tôi lặp lại lời khuyên của mình. Tối hôm sau nữa, mọi chuyện lại diễn ra như cũ.
Cứ thế, được ba hay bốn hôm gì đấy thì tôi nổi giận. Tôi lạnh lùng bảo cô ấy rằng đừng trông mong sự thông cảm của tôi nếu cô ấy cứ tiếp tục không làm theo những gì tôi khuyên bảo. Rằng không việc gì cô ấy cứ phải sống với những áp lực và căng thẳng như thế. Mọi việc thật đơn giản, chỉ cần nghe theo tôi là mọi chuyện có thể được giải quyết. Tôi thấy đau lòng khi phải nhìn cô ấy sống khổ sở một cách vô lý như vậy. Lần sau đó, tôi chỉ nói rằng: “Anh không muốn nghe về chuyện đó nữa. Anh đã nói hết với em những gì cần làm. Nếu em không nghe lời khuyên của anh thì anh cũng không muốn nghe em nói gì nữa”.
- Thế rồi tôi tỏ ra thờ ơ và bỏ đi lo việc của mình. Tôi thật là một thằng ngốc – Patrick nói tiếp. – Ngốc thật sự! Giờ tôi mới nhận ra rằng không phải cô ấy cần lời khuyên mà là cần sự thông cảm ở tôi. Cô ấy muốn được lắng nghe, quan tâm chú ý để thấy rằng tôi hiểu những tổn thương, căng thẳng và áp lực mà cô ấy đang gánh chịu. Cô ấy muốn cảm nhận tình yêu của tôi dành cho cô ấy, cũng như muốn tôi luôn ủng hộ cô ấy. Thế nhưng thay vì tìm cách hiểu cô ấy hơn, tôi lại mải mê đưa ra lời khuyên. Thật ngớ ngẩn. Còn bây giờ, cô ấy đã bỏ tôi đi. Tại sao chúng ta không bao giờ nhìn ra sự việc khi đối diện với chúng? Đến tận bây giờ tôi mới hiểu tại sao mình để mất cô ấy!
Đúng vậy, điều mà vợ của Patrick mong đợi chính là những lời tâm sự, sẻ chia. Cô đã mong nhận được sự quan tâm của anh bằng cách lắng nghe những suy nghĩ, thất vọng cô đang mang. Thế nhưng Patrick chỉ biết nói và nói. Những gì anh nghe chỉ đủ để hiểu sự tình và đưa ra giải pháp mà không kịp hiểu những giọt nước mắt của vợ để an ủi cô về mặt tinh thần.
Hôn nhân là một mối quan hệ, chứ không phải một rắc rối cần được giải quyết.
Rất nhiều người trong chúng ta cư xử hệt như Patrick – quen với việc phân tích rắc rối và đưa ra giải pháp mà quên rằng hôn nhân là một mối quan hệ chứ không phải là một rắc rối cần được giải quyết. Một mối quan hệ đòi hỏi sự lắng nghe thông cảm và cái nhìn thấu hiểu đối với những suy nghĩ, cảm xúc cũng như mong muốn ở người bạn yêu. Đúng là cần biết đưa ra lời khuyên nhưng chỉ khi nào được đề nghị và nên tránh thái độ “dạy bảo”.
Hầu hết chúng ta đều ít được dạy cách lắng nghe mà chỉ biết suy nghĩ và phát biểu. Học cách lắng nghe cũng khó như học ngoại ngữ vậy, nhưng đó là điều bạn cần làm nếu bạn muốn thể hiện tình yêu của mình, nhất là khi ngôn ngữ tình yêu hàng đầu của vợ hoặc chồng bạn lại là “tâm sự, chia sẻ”.
Dưới đây là một số kỹ năng hữu ích, bạn có thể tham khảo thêm:
1. Nhìn vào mắt nhau khi người ấy đang nói. Điều này sẽ giúp bạn tập trung tối đa vào lượng thông tin người ấy đưa ra.
2. Tránh vừa lắng nghe vừa làm việc khác trong lúc người ấy nói. Hãy nhớ, thời gian chia sẻ chỉ có ý nghĩa nhất khi bạn dành trọn sự quan tâm cho đối phương. Nếu bạn đang xem một bộ phim hấp dẫn, hoặc nghe một đĩa nhạc mình yêu thích, hãy thẳng thắn nói cho người ấy hiểu rằng bạn biết là cô ấy/ anh ấy muốn nói chuyện, và bạn cũng rất muốn lắng nghe nhưng không phải lúc này vì bạn không thể tập trung hết sức được. Vì thế, hãy hoãn lại ít phút, sau đó cả hai sẽ cùng ngồi lại với nhau. Hầu hết những người bạn đời đều chấp nhận đề nghị đó.
3. Lắng nghe cảm xúc của đối phương. Hãy tự hỏi: “Cảm giác hiện tại của cô ấy/anh ấy như thế nào?”. Và nếu bạn có câu trả lời, hãy tìm cách xác nhận nó. Ví dụ, bạn có thể nói: “Anh cảm thấy hình như em thất vọng vì anh đã quên…”. Làm thế sẽ giúp bạn xác định được tình cảm của cô ấy, đồng thời cũng cho thấy bạn thật sự muốn lắng nghe cô ấy.
4. Quan sát ngôn ngữ cơ thể. Tay nắm chặt, bàn tay run rẩy, nước mắt, cái nhíu mày và cử động của mắt đều có thể giúp bạn nhận biết trạng thái cảm xúc của người ấy. Cũng có khi ngôn ngữ cơ thể mâu thuẫn với lời nói. Vì thế, hãy hỏi cô ấy hoặc anh ấy để đảm bảo bạn hiểu rõ những gì anh ấy hoặc cô ấy đang suy nghĩ và cảm nhận.
5. Kiềm chế việc xen ngang. Nếu thật sự quan tâm đến người nói, bạn cần kiềm chế để không xen ngang, tự biện minh cho bản thân hoặc buộc tội người đối diện. Đừng quên rằng mục tiêu chính của bạn lúc này là khám phá những suy nghĩ, tình cảm và cảm xúc của người ấy.

                                                       Giáo Sư GARY CHAPMAN