Mùa mưa có thể coi là mùa khó trồng rau nhất, do mưa nhiều dẫn đến ngập úng, sâu bệnh dễ phát sinh, hơn nữa mưa rơi có thể làm giập, hỏng, thối lá, hoa, ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng và đậu quả. Chắc không ít bạn đã từng xót xa khi nhìn vườn rau xanh non mơn mởn của mình bị vùi dập te tua sau một trận mưa lớn. Vậy làm thế nào để bạn vẫn có thể có được nguồn rau tươi trong mùa mưa bão (khi khắp nơi rau tươi tăng giá hàng loạt)? Mini Garden đã tham khảo một số thông tin về bí quyết trồng rau trong mùa mưa và thấy rằng, chỉ cần bỏ ra thêm một chút công sức, bạn vẫn sẽ có niềm vui bội thu trong mùa mưa gió:
1. Làm đất trước khi trồng rau
Do mưa nhiều nên lượng nước mưa tạo dòng chảy hay gây ngập úng cục bộ, cần chú ý chọn vị trí trồng rau nơi gò cao thoát và tiêu nước tốt, nều trồng nơi đất bằng phẳng thì nâng luống cho đất cao khoảng 20-25 cm, kết hợp với việc đào rãnh thu và thoát nước kịp thời khi mưa lớn.
Với cây trồng trong chậu, mọi người nên lưu ý đến khả năng giữ nước và thoát nước của chậu. Chậu không thoát nước tốt sẽ tích trữ nước, cản trở khả năng hô hấp của bộ rễ, gây thối hỏng rễ, chết cây.
2. Chọn loại rau trồng phù hợp với thời tiết
Vào mùa mưa sẽ ít ánh nắng mặt trời làm cho rau trồng sinh truởng kém do lá rau không quang hợp được, vì thế nên chọn giống rau ăn lá có thời gian sinh trưởng ngắn, mau thu hoạch, nếu trồng các loại rau ăn trái thì trồng trong chậu nhựa hay túi bầu, hay dùng màng phủ che luống đất để chủ động việc chăm sóc và bón phân tưới nước..
3. Hạn chế bón phân vô cơ, tăng cường sử dụng phân hữu cơ đã được xử lý
- Bón lót trước khi trồng rau
Khi trồng rau, bạn hãy ưu tiên sử dụng phân hữu cơ hoai mục hay đã qua xử lý vi sinh để bón lót trong đất trồng rau, có thể dùng phân trùn quế là tốt nhất, kết hợp với dùng vôi nông nghiệp để xử lý mầm bệnh trong đất và hạ phèn cho đất ngập nước.
- Bón thúc
Không dùng phân vô cơ có hàm lượng đạm cao như urê, SA..vì khi lá rau có nhiều đạm dễ bị hư nhũn khi gặp mưa kéo dài tạo điều kiện phát sinh nấm bệnh.
- Bón phân bổ sung
Tuy nhiên có thể dùng phân lân hay KNO3 bổ sung để giúp bộ rễ rau mau phát triển và tăng khả năng chống chịu cho rau trồng khi mưa nhiều.
4. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh khi trồng rau mùa mưa
- Nhớ che thêm lưới khi bắt đầu trồng cây con ra đất, nhằm hạn chế giọt nước mưa rơi trực tiếp làm dập lá rau non, nhất là đối với các loại rau ăn lá.
- Thường xuyên kiểm tra hái bỏ lá vàng, lá hư và tỉa đi những nhánh bị bệnh để cách ly nguồn bệnh lây lan.
- Lưu ý không dùng lạm dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng hay phân bón lá cho rau khi mùa mưa sẽ làm dư hàm lượng nitrát khi thu hoạch.
- Hạn chế dùng thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Nếu dùng thuốc bảo vệ thực vật nhớ tuân thủ hướng dẫn nhà sản xuất và thời gian cách ly an toàn.