Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

Mạ tôi


Tôi trở về thăm Mạ vào cuối đông năm 2014.

Ngày tôi đi Mạ tôi chưa từng chống gậy, đôi mắt còn sáng để thấy rõ con cá có xương, đôi tay còn bửa đôi miếng cau ngọn trầu, đưa vào miệng với hai hàm răng chắc khỏe. Thế mà giờ đây, đôi mắt đã mù hẳn, đôi chân không còn đi lại, miếng cá cần có người lừa xương, chén cơm phải có người xới hộ, miếng cau trầu Mạ đã không còn ăn được đã hai năm. Khuôn mặt tiều tụy tôi không thể ngờ, miệng luôn lẩm bẩm những điều gì không chủ đích.

Một đôi khi, Mạ trở về với thực tại. Mạ nói với tôi:
- Con về khi mô rứa, các cháu có ăn chơi không?
Rồi, Mạ tôi lạnh lùng nằm trên chiếc giường cô quạnh như không một chút xao động trong lòng đối với đứa con sau bao năm đi xa trở về. Tôi ôm Mạ vào lòng và nói với Mạ rằng:
- Mạ ơi con quá bất hiếu.
Tôi thấy đôi dòng lệ của Mạ tuôn trào từ đôi mắt mù ấy.
Mạ nói:
- Sao Mạ không sinh ra nhiều đứa con, để cho con khỏi một mình vất vả vì Mạ.
Nghĩ một hồi Mạ nói:
- À! Mà Ba con mất sớm thì làm sao Mạ sinh được con hè?

Tôi bên cạnh Mạ tôi gần hai tháng, tôi chưa bao giờ thấy Mạ tôi có một giấc ngủ ngon lành, suốt đêm trăn trở mãi, giấc ngủ không yên. Tôi nằm bên cạnh Mạ, ôm Mạ vào lòng mình, nước mắt tôi chảy dài trên chiếc gối kê, thân hình của Mạ ngày xưa to lớn thế, giờ đang nhỏ bé dưới bàn tay của đứa con trai vỗ về, xoa nắn từng thớ thịt nhăn nheo. Và đêm nào tôi cũng ôm Mạ tôi ngủ, như ngày xưa Mạ đã ôm tôi khi còn bé.

Chỉ trong hai tháng ròng tôi bên cạnh Mạ. Mạ tôi tươi tỉnh hẳn lên, thỉnh thoảng cho tôi một vài nụ cười nhẹ nhàng, mãn nguyện nơi khóe môi xanh xao. Lòng tôi vui sướng vô cùng. Tôi thấy được rằng Mạ tôi đã trông chờ và nhớ đến tôi biết dường nào!

Tôi nói với Mạ tôi:
- Mạ ơi! con phải xa Mạ nữa rồi.
Mạ tôi không nói điều gì, Mạ chỉ ngồi im lặng, giọt lệ buồn đang chảy dài trên khuôn mặt Mạ. Một lúc sau Mạ tôi mới buông lên một tiếng:
- “Ừ” theo cùng với tiếng thở dài não nuột, rồi quay mặt đi và nằm xuống trên giường. Cặp mắt trũng sâu đã khép hờ. Một khuôn mặt an nhiên giống như người tu khổ hạnh đã vượt qua khỏi cõi trần tục. Tôi ôm Mạ vào mình, hôn lên đôi mắt hai hàng lệ chảy dài, hôn lên vầng trán và khuôn mặt nay đã nhăn nheo. Mạ chỉ khoác cánh tay yếu ớt về phía tôi. Cử chỉ ấy gợi cho tôi nhớ về một hình ảnh ngày xưa, khi Mạ dắt tôi đến trường giao tôi cho thầy dạy học, Mạ gỡ bàn tay tôi đang níu áo Mạ, khoát cánh tay rồi vội vã quay lưng; sợ trễ buổi chợ.

Mạ tôi kể: Mạ tôi là đứa con ngoan trong một gia đình nề nếp, ngoan hơn tất cả các anh chị của Mạ, Ông Ngoại tôi vẫn gọi Mạ là “con gái rượu”, Bà Ngoại tôi nói: “Mạ tôi là con út, sẽ là người mà Bà Ngoại tôi được nhờ cậy lúc về già, và là đứa con sẽ được hưởng nhiều sung sướng”. Nhưng ông Bà ngoại tôi chỉ nhờ Mạ tôi khi còn sống bên cạnh với ông bà. Ðến khi kết tóc xe duyên với Ba tôi thì không còn nhờ cậy gì được nữa. Mạ tôi hay bảo: “phận con gái đôi khi phải hổ thẹn vì đành lòng cướp công cha mạ khi đi lấy chồng”.

Mạ cũng có thời son trẻ, vẫn hẹn hò, yêu đương. Ba tôi là người đàn ông đầu tiên thề non hẹn biển, sống cùng Mạ tôi đến đầu bạc răng long, thế mà Ba tôi đã lỗi hẹn lời thề khi Mạ tôi còn đang độ xuân xanh (hai mươi sáu). Cái tuổi mà các cô gái ngày nay có cô chưa chịu lấy chồng, trong khi Mạ tôi đã là góa phụ.
Rồi trong căn nhà lá ấy, những buổi tối trời trăng, Mạ tôi vẫn khóc, khóc cho thân phận mình, cho tương lai con cái của mình, mấy thằng con trai thiếu một người cha dạy dỗ. Ðôi chân thoăn thoắt cùng đôi quang gánh trên vai đi qua những lối mòn, băng qua những cánh đồng, mạ ra đi từ lúc gà chưa gáy sáng và trở về khi mọi nhà ai nấy đều lên đèn. Vốn liếng chẳng đáng là bao, mạ chẳng dám thuê một sạp hàng ở chợ, mạ đi bán rong. Cân tôm thì bán kèm lá ngót hay những bông lý hái từ cái rạp chống nắng trước sân, lạng tép khô bán cùng những quả khế xanh, mớ rau muống, hành, ngò, tỏi, rau dền, rau ngót, khoai lang, hay củ sắn… Mùa nào thức nấy!
Tôi nhớ Cậu của tôi, những luống cải của nhà Cậu trồng, luống nào xanh tốt nhất, Cậu cũng để dành cho Mạ tôi. Cậu nói: “ Mấy vồng cải đó để dành cho O bây nghe! không được bán cho ai, cho O tụi bây bán để được tiền mua gạo cho các cháu”.

Dù tuổi đời Mạ còn son trẻ khi Ba tôi mất. Có lẽ, Mạ tôi đã chôn chặt những ước mơ, những hoài bão của cuộc đời Mạ cùng với Ba tôi dưới tận nấm mồ từ ngày ấy. Mạ tôi được sinh ra trong một gia đình lễ giáo, rồi về làm dâu trong một gia đình cũng không kém phần lễ giáo ấy. Rồi cuộc đời Mạ cứ côi cút làm ăn, lo toan phận khó của mình. Những đứa con đã trưởng thành, có đứa đã chết. Năm 1972, chiến trường Miền Nam khốc liệt. Nhận tin báo người anh cả của tôi hy sinh, thế là bao nhiêu năm tháng, nắng dãi mưa dầm, thân cò lặn lội, nuôi con đến ngày khôn lớn, trưởng thành. Trong phút chốc, bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hoài bão cho con, nay đã trở thành mây khói.

Khi Mạ bước vào tuổi thất tuần, tôi rước Mạ tôi về sống chung cùng vợ chồng tôi tại Huế. Hình như ở vào lứa tuổi mùa đông của cuộc đời, mọi sở thích của Mạ đã thay đổi. Sự thay đổi rõ rệt nhất là sở thích về các mùa và giấc ngủ. Chúng tôi hằng ngày lo cặm cụi làm ăn, các cháu đều vào trường học. Cái giỏ cau trầu là người bạn của Mạ tôi hằng ngày. Tôi đưa Mạ về lại quê hương, nơi in dấu bao nhiêu hình ảnh về những kỷ niệm vui, buồn, tang thương, đau khổ. Có lẽ đây là nơi thích hợp nhất cho Mạ tôi khi tuổi đã xế chiều. Nhưng quả thật, Mạ không thấy ngon miệng trong những bữa cơm như thế. Vả lại cuộc sống lăn lộn đã từng quen nên bây giờ, Mạ thấy cuộc đời thật nhạt nhẽo và vô tích sự thì phải. Cuộc sống cứ hối hả trôi đi. Chúng tôi cố lăn vào cuộc sống mưu sinh, con cái chúng tôi bận học hành, rồi đến khi có gia đình riêng tư. Thú thật đôi khi tôi sao nhãng. Kể từ khi Ba mất. Ba đã để lại cho Mạ ba đứa và một đứa con bà thứ của Ba chưa tròn hai tuổi. Mạ đã cho Dì ấy về để bước thêm bước nữa vì Dì ấy tuổi mới đôi mươi, Mạ giữ con lại cho mình nuôi dưỡng. Mạ cứ nghĩ: Trời sinh voi sinh cỏ. Nên không quản ngại mà hy sinh đời mình cho trọn đạo, chí nguyện là mong sao các con của Mạ khôn lớn, trưởng thành là Mạ đã quên đi nỗi cơ cực rồi.

Hai mươi lăm năm sau, các con Mạ đi mỗi đứa mỗi phương. Anh cả vào quân ngũ, tôi đi học ở tận thành phố, em gái út lấy chồng, thằng con Dì thứ cũng không ở lại với Mạ, nó cũng bay nhảy nay đây mai đó. Mạ côi cút một mình với căn nhà xưa cô quạnh, chứa chan nhiều kỷ niệm, buồn nhiều hơn vui. Mạ từ giã ngôi nhà xưa, mái tranh vách lá ấy. Về Ðà Nẵng cũng bằng nghề buôn bán tảo tần như ngày xưa, với những mớ tôm, mớ tép.

Sáu mươi lăm năm sau. Giờ đây, Mạ không còn những ngày gian khổ nữa, không còn lặn suối trèo non. Song Mạ vẫn tiêu điều trong căn nhà xưa ấy. Sống côi cút với đứa con trai út. Ðôi mắt Mạ ngày xưa, khép lại với những cám dỗ của cuộc đời; Mạ nhắm và mãi nhắm cho đến ngày mù hẳn.
Có khi nào bạn thử nhìn kỹ khuôn mặt của mẹ mình chưa? Riêng tôi, tôi có lẽ là lần đầu tiên của tuổi sáu hai, tôi mới nhìn kỹ khuôn mặt Mạ tôi. Ðó là khi tôi rời xa Mạ, đến sống một nơi cách quê hương nửa vòng trái đất. Giờ đây tôi mới viết, cho dù tôi không đủ ngôn từ để nói hết tình yêu thương của Mạ tôi dành cho tôi.

Mạ ơi! Con thật bất hiếu! Mạ ơi! Mạ ơi, cho con xin làm lại từ đầu, Mạ nhé!
  Văn Viết Thiện - Mùa Đông 2014