Hoa hồng là một trong những loài hoa được yêu thích nhất thế giới. Có người đã nói rằng hoa hồng đa dạng tới mức luôn có một loại hoa hồng phù hợp với mỗi một con người, một tính cách, một tâm trạng.
Hoa hồng là loài hoa của vùng ôn đới. Mỗi khi mùa xuân sang, ở các nước ôn đới, hoa hồng nở làm cả không gian bừng sáng và ngập tràn trong mùi hương dễ chịu.
Việt Nam là nước nhiệt đới, vì thế hoa hồng chỉ nở đẹp nhất ở vùng cao (Sa Pa, Đà Lạt…) hoặc trong mùa lạnh của miền bắc. Vào mùa nóng hoặc ở miền Nam, hoa hồng thường lớn chậm hơn và khó nở hoa hơn. Tuy vậy, nếu được chăm sóc đúng cách, hoa hồng vẫn có thể nở được trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Dưới đây là một số việc cần làm để chăm sóc cho cây hoa hồng mùa hè và ở miền Nam, bạn sẽ mất thêm nhiều công sức, nhưng vẻ đẹp của những bông hoa sẽ đền đáp cho bạn.
Dọn dẹp
Dọn hết lá rụng dưới gốc cây, bởi những cụm lá rụng chứa mầm mống cho các bệnh nấm như đốm đen, úa lá. Bạn hãy vứt hết những đám lá rụng này đi chứ đừng bỏ chúng vào thùng ủ phân xanh.
Tỉa hết lá héo hoặc bị bệnh khỏi cây, cắt hết đầu những bông hoa đã tàn (ngay trên chỗ tiếp xúc với lá). Công việc tỉa hoa này giúp cho hoa nở nhiều hơn thay vì tốn dinh dưỡng để nuôi quả.
Bón phân
Bón phân bằng phân dành riêng cho hoa hồng để thúc cây nở hoa.
Phủ gốc
Phủ đất để giúp cho rễ cây luôn có hơi ẩm. Tuy nhiên nếu có lá bệnh rụng trên lớp phủ, hãy bỏ ngay lớp phủ đi và phủ một lớp khác lên.
Phun thuốc trừ sâu bệnh
Bệnh thường gặp nhất trên cây hoa hồng là bệnh đốm đen, với biểu hiện lá vàng và có đốm đen. Căn bệnh này thường xuất hiện trong điều kiện nóng ẩm nên hay gặp ở Việt Nam. Hãy cắt bỏ hết tất cả những lá bệnh và xịt thuốc diệt nấm cho hoa hồng.
Các loại côn trùng, sâu bọ, rệp, rầy cần phải được xịt thuốc trừ sâu (bạn có thể tự pha chế thuốc trừ sâu từ rượu ngâm tỏi ớt rồi pha loãng để xịt). Nếu dũng cảm hơn, bạn có thể bắt và giết sâu bằng chính đôi tay của mình!